Kỹ năng mềm phần 2 - Kỹ năng đặt mục tiêu

Kỹ năng mềm phần 2. Kỹ năng đặt mục tiêu. Chia sẻ bởi Bác sĩ Vượng. Bảng vàng thủ khoa tốt nghiệp Đại học Y Dược TP.HCM.

Một nghiên cứu của đại học Harvard chỉ ra rằng những người viết ra được rõ mục tiêu của mình thì thường đạt được những kết quả tốt hơn những người không có mục tiêu rõ ràng. Bởi vậy trong video này anh sẽ nói về cách đặt mục tiêu và quá trình để hoàn thành những mục tiêu đã đề ra.

 

Đặt mục tiêu Bước 1: Là biết mình muốn gì.

 

Khi bạn hiểu rõ được mong muốn của bạn thì bạn mới đặt được những mục tiêu phục vụ cho mong muốn ấy. Bạn nên làm điều này càng sớm càng tốt, vì khi bạn biết được mình muốn gì sớm bạn sẽ có nhiều thời gian để chuẩn bị.

 

Vậy là làm sao để bạn biết bạn muốn gì. Bạn có thể sử dụng kỹ thuật phác thảo tương lai. Bạn hãy nghĩ về tất cả những gì bạn mong muốn trong cuộc sống của mình, trong bước này bạn hãy tạm cho phép mình được tự do tưởng tượng và ghi ra tất cả những điều bạn muốn. Anh nghĩ là đa phần chúng ta sẽ vẽ ra được một bức tranh mà mình mong muốn. Nếu chưa, bạn hãy dành thêm thời gian để tự trả lời câu hỏi này. 

 

Đặt mục tiêu Bước thứ 2: Trong những thứ bạn muốn, hãy chọn ra những mong muốn phù hợp nhất ở thời điểm hiện tại.

 

Chúng ta thường mong muốn rất nhiều thứ nhưng rõ là chúng ta chưa thể có được tất cả. Bởi vậy, anh thường chọn ra những thứ khả thi nhất ở thời điểm hiện tại để bắt đầu thực hiện. Sau khi đạt được những mục tiêu đơn giản thì bạn sẽ đủ sức để đi tiếp những mục tiêu khó khăn hơn.

 

Đặt mục tiêu Bước thứ 3: Đặt mục tiêu theo công thức SMART

 

Sau khi chọn được một số việc để thực hiện, bạn bắt đầu lên mục tiêu. Những mục tiêu tốt thường tuân theo công thức SMART. Tức là mục tiêu đặt ra cần phải specific, measurable, achievable, relevant and time-bound. Dịch sang tiếng Việt nghĩa là mục tiêu đó phải cụ thể, đo đếm được, thực hiện được, thống nhất với những việc bạn mong muốn và có mốc thời gian rõ ràng. 

 

Anh ví dụ một mục tiêu rõ ràng là: Tôi muốn đậu đại học Y trường đại học X với điểm thi đại học là 27 điểm trong thời gian ôn luyện là 2 năm. Một mục tiêu không rõ ràng là: Tôi muốn học ngành y.

 

Có một số điểm bạn cần lưu ý khi đặt mục tiêu

 

1.  Cụ thể tới mức độ nào : Câu trả lời là càng cụ thể càng tốt, một mục tiêu càng cụ thể chứng tỏ bạn càng nghiên cứu kỹ và càng nắm rõ được những tiêu chí cần thực hiện. Do đó khả năng bạn hoàn thành được càng cao.

 

2. Làm sao biết mục tiêu này là khả thi hay không khả thi : Nếu bạn có đủ nền tảng và nhìn được được con đường đi tới mục tiêu của bạn thì đó là mục tiêu khả thi. Bởi vậy, khả thi hay không khả thi là tùy thuộc vào mỗi người. Vd: Nếu anh đặt mục tiêu là tạo được tàu vũ trụ lên sao hỏa thì với anh đây là mục tiêu ảo tưởng vì anh chẳng thể nhìn được con đường đi tới đó. Nhưng với Elon Musk thì lên sao hỏa có thể là một mục tiêu khả thi vì anh ấy có lộ trình và nền tảng để thực hiện điều đó. Tóm lại mục tiêu có kế hoạch thực hiện rõ ràng là mục tiêu có thể hoàn thành, mục tiêu không có kế hoạch là ảo tưởng.

 

Đặt mục tiêu Bước thứ 4: Là bắt đầu thực hiện mục tiêu

 

Sau khi bạn đã có một mục tiêu cụ thể, bạn bắt đầu lên kế hoạch thực hiện. Sau đây là một số điểm có thể giúp bạn

 

1.   Bạn hãy chia mục tiêu này thành những mốc nhỏ hơn để có thể thực hiện được. Ví dụ anh biết mình cần thi được 27 điểm thì anh sẽ chia ra mỗi môn cần được bao nhiêu điểm, sau đó chia tiếp cần học những gì để đạt điểm đó. Sau khi chia nhỏ ra vậy, anh sẽ có những mốc rõ ràng để hoàn thành. Kỹ năng này cũng áp dụng trong hầu hết các khía cạnh khác trong cuộc sống

2.   Bạn hãy để ý tới những thứ cản trở bạn hoàn thành mục tiêu. Nếu bạn nhìn được rõ ràng được những yếu tố cản trở là gì thì bạn có thể tránh được những yếu tố đó. Ví dụ, nếu bạn thấy trò chơi điện tử sẽ tốn của bạn một khoảng thời gian ôn thi lớn, bạn nên hạn chế trò chơi điện tử trong lúc ôn thi để có thể đạt được mục tiêu điểm số đã đề ra.

3.   Cập nhật và chỉnh sửa: Cho dù chúng ta có lên kế hoạch tốt tới đâu, luôn có những thay đổi ngẫu nhiên và chúng ta cần chỉnh sửa cho phù hợp. Khi thực hiện sẽ có những kết quả bước đầu, dựa trên những kết quả này để chỉnh sửa kế hoạch nhằm đạt được mục tiêu cuối cùng.

 

Tóm lại,

Đâu tiền bạn cần viết ra những gì mình mong muốn, sau đó chọn ra những thứ phù hợp để lên mục tiêu theo tiêu chí SMART. Sau khi lên mục tiêu, bạn bắt đầu thực hiện bằng cách chia mục tiêu thành các bước nhỏ, tìm và tránh các yếu tố cản trở để đạt được kết quả. Sau đó bạn dựa trên những kết quả bước đầu để chỉnh sửa kế hoạch nhằm đạt được mục tiêu cuối cùng.

 

Trên đây là những gì mà anh biết được và kinh nghiệm của cá nhân anh, cuộc sống thì muôn màu nên những chia sẻ của anh có điểm phù hợp có điểm chưa. Anh mong là những nội dung này sẽ giúp ích được phần nào đó cho các bạn. Anh chúc các bạn có thể hoàn thành được những mục tiêu của bạn trong cuộc sống và theo đuổi được những hoài bão mà các bạn ấp ủ.


Nguồn tham khảo

Harvard University. Goal Setting for Dynamic Work

 

Trân trọng,
Bs Nguyễn Đức Vượng.

Share on Google Plus

About Bác sĩ Vượng

Bác sĩ Nguyễn Đức Vượng. Tốt nghiệp loại giỏi Đại học Y Dược TpHCM.