Cách học giỏi phần 8 - Cách học liên tục mà không bị chán

Cách học giỏi phần 8. Cách học liên tục mà không bị chán. Chia sẻ bởi Bác sĩ Nguyễn Đức Vượng. Bảng vàng thủ khoa tốt nghiệp Đại học Y Dược TP.HCM.  

Có nhiều bạn nhắn tin hỏi anh là sao anh có thể vượt qua sự trì hoãn và kiên trì học tập như vậy. Anh có lúc nào bị chán không. Có một bí mật mà anh muốn chia sẻ với các bạn là thực tế anh cũng mệt chứ. Nhưng mà sau nhiều năm đi học anh dần tìm được phương pháp để bản thân mình có thể thư giãn hơn, vượt qua những giai đoạn chán nản để tiếp tục học tập làm việc và theo đuổi ước mơ của mình. Đó cũng chính là nội dung của video này.

 

Số 1. Thấu hiểu bản thân

 

Không có một chiến thuật nào là đúng cho tất cả mọi người. Mỗi người sẽ có một cách hoạt động khác nhau. Bạn cần tự tìm cho mình lịch sinh hoạt lý tưởng nhất. Chẳng hạn bạn thích làm việc vào buổi sáng hay buổi tối, bạn thích làm việc một mình hay theo nhóm, khi nào bạn thường cảm thấy kiệt sức và không muốn học hành nữa …

 

Cách hay nhất để xác định những điều này chính là a-b testing. Nói một cách đơn giản là thử nghiệm. Để xác định được những điều này bạn chỉ cần thử học trong vòng vài ngày ở những thời điểm và nơi học khác nhau. Sau đó lấy điện thoại ra và ghi lại nhật ký về những gì bạn đã làm, bạn thích làm việc buổi sáng hơn hay buổi tối hơn, khi nào bạn thấy hiệu quả nhất, học ở đâu làm việc với ai mà bạn thấy vui nhất.

 

Dần dần bạn sẽ làm chủ được cuộc chơi, thấu hiểu bản thân mình hơn và tìm được chiến thuật học tập tối ưu nhất cho riêng bạn.

 

Số 2. Lên kế hoạch cụ thể

 

Sau một thời gian quan sát thì anh nhận ra là những bạn hay trì hoãn thường là những bạn không có kế hoạch rõ ràng. Có nghĩa là bạn chỉ biết là hôm nay ở mình nên học nhưng mà không rõ là hôm nay mình nên học bài gì học môn gì học ở đâu và học với ai .

 

Vì không có một kế hoạch rõ ràng nên các bạn cũng không nhìn ra được khả năng thành công là bao nhiêu. Và khi mọi thứ đều mơ hồ thì khả năng bạn trì hoãn là rất cao. Ngược lại nếu bạn biết rõ là bạn cần học bao nhiêu bài, học với ai và việc này sẽ giúp bạn đạt được những trong tương lai thì bạn sẽ làm việc với một thái độ tích cực hơn nhiều.

 

Chẳng hạn bạn biết là đây là một môn học khó, nếu học tốt môn này thì bạn sẽ đạt điểm cao, sau đó xin được học bổng của trường và có thêm một ít tiền để đi chơi sau những ngày học căng thẳng. Bởi vậy việc đầu tiên bạn cần làm là lên kế hoạch rõ ràng bạn làm việc gì, làm với ai, như thế nào và để được cái gì.

 

Số 3. Chia nhỏ và sắp xếp công việc

 

Miếng bánh dù ngon cách mấy thì người ta cũng sẽ cắt nhỏ ra rồi dùng muỗng sắn từng miếng một dễ ăn. Công việc và chuyện học hành cũng như vậy.

 

Nếu bạn có cả đống sách cần đọc, cả đống slide cần học thì bạn sẽ thấy một tá áp lực đè nặng lên đôi vai bạn. Tin anh đi anh cũng từng cảm thấy y chang vậy. Đây là cách mà bạn có thể làm để ngăn điều này xảy ra

 

Hãy viết mọi thứ xuống một cách rõ ràng là hôm nay chúng ta cần làm gì, rồi chia nhỏ nó ra thành từng phần một. Chẳng hạn nay bạn cần học 3 chương sách thì chia làm 3 phần, sáng 1 chương nghỉ ngơi ăn trưa chiều 1 chương nghỉ ngơi ăn tối và sau đó chiến nốt 1 chương rồi đi ngủ. Khi bạn đã ghi ra rõ ràng như vầy thì bạn không cần nhớ trong đầu và ám ảnh liên tục về núi công việc mình cần làm nữa. 

 

Số 4. Hãy khởi đầu theo cách của bạn

 

Thật khó khăn để bạn ngừng nghịch điện thoại ngay lập tức và ngồi vào bàn học với 100% năng lực. Nên anh khuyến khích có một giai đoạn bước đệm nhẹ để bộ não của bạn có thời gian thích nghi và chuyển sang chế độ làm việc.

 

Anh hay bắt đầu bằng việc cất điện thoại đi, dọn dẹp lại bàn học và pha một ly cà phê . Chú ý là như anh đã nói trong video về sự tập trung, bạn cần bỏ điện thoại ở nơi mà bạn không nhìn thấy vì nếu còn nhìn thấy điện thoại thì bạn rất dễ mất tập trung.

 

Sau khi đã dọn dẹp bàn học, cất điện thoại đi và pha cho mình một loại đồ uống yêu thích thì anh sẽ cảm thấy việc ngồi học thoải mái hơn.

 

Tiếp theo tùy vào sở thích cá nhân, có nhiều bạn thích bắt đầu bằng những nội dung đơn giản dễ học để có đà có tiền đề tiếp tục những nội dung khó hơn. Còn anh thì anh thích bắt đầu ngay bằng những nội dung khó nhất thách thức nhất vì ở đầu buổi học anh đang tràn trề năng lượng để tới cuối ngày khi năng lượng giảm xuống thì anh sẽ học những thứ đơn giản hơn. Người ta gọi đó là khổ trước sau.

 

Số 5. Chuẩn bị nhiên liệu đầy đủ

 

70% cơ thể bạn là nước thành ra việc uống nước rất quan trọng. Khi học anh thường uống những ngụm nước nhỏ để đảm bảo cơ thể không bị mất nước. Bởi vậy nên ngoài ly cà phê anh vừa nói thì anh hay cầm theo một chai nước để uống dần trong mỗi phiên học.

 

Tiếp theo anh cũng hay chuẩn bị những miếng trái cây nhỏ để có thể ăn trong giờ nghỉ giữa những phiên học. Điều này giúp cho anh không bị đói giữa chừng và cũng khá là có lợi cho sức khỏe. Nhớ là ăn trái cây chứ không phải là bánh tráng trộn snack hay bất kì loại đồ nhanh nào khác nhé. Trái cây có nhiều loại nên bạn có thể thay đổi các loại trái cây cho đỡ chán.

 

Số 6. Nghỉ ngơi khi cần thiết

 

Máy móc còn cần phải nghỉ ngơi đừng nói là con người, sau mỗi phiên học tầm 45ph tới 1 tiếng anh hay nghỉ một chút tầm 5-10ph. Trong 5-10 phút này anh thường đứng dậy đi lại, lấy trái cây hay đi rửa mặt để tỉnh táo hơn. Nhớ là đừng rơi vào một cái bẫy là lôi điện thoại ra lướt web vì khi sử dụng điện thoại não bộ các bạn vẫn phải làm việc và tiêu hao một lượng năng lượng đáng lẽ ra là dùng cho việc học tập. Điều quan trọng hơn là bạn rất dễ bị cuốn theo và thay vì nghỉ 5ph thì bạn sẽ ngồi nghịch điện thoại 30ph thậm chí là cả tiếng và khi mà bạn nhận ra thì cơ thể bạn cũng quá mệt mỏi để tiếp tục học tập. Nhớ nhé nghỉ ngắn và không dùng điện thoại

 

Số 7. Đổi môi trường và tìm bạn đồng hành

 

Trong những ngày tháng ôn thi căng thẳng giả sử bạn đã học từ sáng tới chiều mà vẫn chưa xong. Ở thời điểm này cho dù bạn có là người kỷ luật tới đâu thì bạn cũng sẽ chán. Anh cũng vậy sau mỗi buổi học kéo dài từ sáng tới chiều thì anh bắt đầu chán và bắt đầu tự hỏi bản thân, tôi là ai đây là đâu và mục đích của cuộc sống này là gì

 

Bởi vậy anh sẽ đứng dậy nghỉ ngơi một chút, ăn tối rồi hẹn bạn ra quán cà phê hoặc đơn giản hơn là dùng những phần mềm học trực tuyến như zoomz hoặc teams để trao đổi những nội dung khó mà anh gặp trong ngày cũng như tám chuyện một chút cho đỡ chán. Bằng cách này anh có thể tận dụng những giờ cuối ngày để tiếp tục học tập dù là khá mệt rồi. Nhưng nhớ là nếu ra quán nước thì uống trà hay cà phê vì nó sẽ khiến bạn mất ngủ. Anh thường chỉ kêu nước dừa hoặc là nước lọc.

 

Số 8. Tự thưởng cho bản thân

 

Cuối cùng nhớ là đừng quá hà khắc với bản thân mình, sau một ngày học tập căng thẳng và nghiêm túc tối về nhà anh thường nghỉ ngơi coi youtube lướt facebook để cập nhật thông tin bạn bè cũng như là giải trí.

 

Tóm lại, để có một ngày học tập hiệu quả, đầu tiên bạn nên hiểu cơ thể bạn, bạn thích học vào thời điểm và môi trường nào. Sau đó bạn hãy lên kế hoạch cụ thể, chia nhỏ công việc, dọn dẹp bàn học để bắt đầu, chuẩn bị nước uống và trái cây để ăn trong những giờ nghỉ ngắn. Nhớ là khi nghỉ giữa giờ không được dùng điện thoại để tránh bị cuốn theo. Nếu chán bạn có thể tìm bạn đồng hành học chung và nhớ là tự thưởng cho bản thân mình sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

 

Vậy đấy, học tập chưa bao giờ là chuyện dễ dàng. Mong là những mẹo anh chia sẻ trong video này sẽ giúp các bạn cảm thấy việc học nhẹ nhàng hơn.

Share on Google Plus

About Bác sĩ Vượng

Bác sĩ Nguyễn Đức Vượng. Tốt nghiệp loại giỏi Đại học Y Dược TpHCM.