Cách học giỏi phần 6 - Cách học thuộc lòng nhanh và lâu quên

Cách học giỏi phần 6. Cách học thuộc lòng nhanh và lâu quên. Chia sẻ bởi Bác sĩ Nguyễn Đức Vượng. Bảng vàng thủ khoa tốt nghiệp Đại học Y Dược TP.HCM. 

Học thuộc lòng chính là một trong những thử thách lớn nhất đối với các bạn học sinh sinh viên. Trong video này anh sẽ nói về những phương pháp học thuộc lòng hiệu quả mà anh thường áp dụng để chuẩn bị cho những kì thi sắp tới.

 

Sau video này anh mong các bạn có thể tự tin hơn trong việc thì bạn có thể tự tin hơn với những môn thi tự luận tức là đề thi đưa ra một câu hỏi và bạn cần phải trả lời bằng những gì bạn nhớ được. Đây chính là phương pháp mà anh đã sử dụng để thi học sinh giỏi quốc gia môn sinh Học, đạt điểm cao trong các môn thi học bài ở trường. Anh tin là bất kỳ ai cũng có thể ứng dụng những phương pháp này bởi vì nó là dựa trên những cơ sở khoa học mà anh đã chia sẻ cho những video trước đây.

 

Đầu tiên luôn là bước lên kế hoạch.


Chúng ta cần phân tích nội dung cần học và bắt đầu học từ những nội dung dễ nhất và ngắn nhất. Vì hai lý do

-      Thứ 1: Các nội dung này có độ dài khác nhau nhưng có số điểm khi thi như nhau. Ví dụ như đề cương triết học có 10 câu. Khi thi chúng ta sẽ viết lại 2 câu ngẫu nhiên trong số những câu này. Chắc chắn là độ dài các câu này không bằng nhau nhưng số điểm lại như nhau khi thi. Thành ra cứ câu dễ câu ngắn mà học trước.

-      Thứ 2: Việc học các câu ngắn trước học những câu dài sau sẽ giúp chúng ta ôn tập hiệu quả hơn. Nguyên tắc căn bản là chúng ta sẽ dễ quên những gì đã học lâu rồi thành ra học câu ngắn trước lúc ôn cũng nhanh, câu dài để gần gần ngày thi hẵng học cho đỡ quên. Nếu bạn làm ngược lại, học câu dài đầu tiên thì có khi tới gần ngày thi lúc ôn lại quên sạch rồi lại phải học lại từ đầu tốn thời gian

 

Bước thứ 2, xây dựng các câu các chuỗi kí tự gợi nhớ đơn giản hay tiếng Anh gọi là mnemonics


Đây chính là kỹ năng thay đổi việc học bài của anh.

 

Chắc chắn chúng ta không thể nhớ toàn bộ 10 trang giấy cùng lúc được. Thay vào đó bạn sẽ tạo ra những mốc neo trí nhớ để có thể dựa vào và nhớ lại toàn bộ 10 trang giấy. Cái này giống như là khi bạn đăng ký tài khoản sẽ có tạo password và password hint. Đôi khi mình quên password thì mình dựa vào những gợi nhớ từ password hint để nhớ lại. Điều này có 2 ý nghĩa lớn.

 

Thứ 1: Giúp các bạn không bị quên giữa chừng

 

Chắc hẳn bạn đã từng trải qua cảm giác đang viết thì quên mất đoạn tiếp theo là gì. Lúc đó giá như được nhắc 1-2 chữ đầu tiên thôi là nhớ được nguyên khúc sau rồi nhưng mà ngồi nghĩ mãi không nhớ ra. Hoặc nhiều khi nhớ ra nhưng là nhớ nhầm đoạn nội dung của câu khác.

 

Việc xây dựng một câu ngắn gọn giúp bạn xâu chuỗi được toàn bộ nội dung trong 1 câu lại chính là chìa khóa cho việc này. Khi thi bạn chỉ cần nhớ câu ngắn gọn đó là đảm bảo không quên những phần còn lại.

 

Bạn không thể nhớ được đầy đủ 10 trang giấy nhưng nếu mỗi trang bạn tạo nên một câu ngắn gọn để gợi nhớ. Thì bạn chỉ cần nhớ 10 câu ngắn gọn là đã nhớ được toàn bộ 10 trang giấy rồi.

 

Thứ 2: Tạo ra sườn để ôn tập nhanh

 

Thay vì bạn phải ôn đi ôn lại toàn bộ nội dung một cách mông lung và lúc nào cũng lo sợ sẽ quên cái này quên cái kia thì bây giờ bạn đã có những câu móc neo rõ ràng hay trong tiếng Anh gọi là những anchor . Bạn chỉ cần nhớ những câu móc neo ngắn gọn này và từ đó tiếp tục triển khai các ý

 

Đây là ví dụ mà anh đã làm để ôn thi triết học trong kì thi tốt nghiệp. Trường anh thi triết học đề đóng tức là không được mở sách như một số trường khác thành ra anh phải học thuộc lòng toàn bộ những nội dung này.

 

Bước 3, học thuộc hiệu quả. Sau khi đã có sườn để ôn bài thì chúng ta bắt đầu học thuộc. 


Ở đây anh sẽ giới thiệu hai cách mà anh thường dùng. Cách 1 là dò bài cùng với bạn. Cách 2 là tự học bằng kỹ thuật ghi tắt chữ đầu, đây là kỹ thuật do anh tự nghĩ ra. 

  

Cách 1: Dò bài bằng miệng.

 

Dò bài tức là người hỏi người đáp qua lại với nhau. Thường chỉ cần 2 tới 3 người cùng dò chung là hiệu quả nhất vì sẽ đủ thời gian cho ai cũng được hỏi và nói lại bài 1 lần. Nhược điểm của phương pháp này là hơi khan cổ nhưng mà hiệu quả thì khỏi bàn vì những lý do sau:

 

(1) Active recall: Đây là một hình thức active recall. Tức là sau khi học bài các em truy cập lại kiến thức từ vùng ghi nhớ và sử dụng để chủ động giải quyết một vấn đề nào đó. Ở đây là nghe câu hỏi, tìm câu trả lời trong vùng ghi nhớ và nói ra bằng miệng. Khoa học chứng minh việc này rất hiệu quả vì nó giúp kích hoạt nhiều vùng não bộ cùng lúc và khiến cho liên kết giữa các neuron thần kinh tốt hơn. Tức là ghi nhớ tốt hơn.

 

(2) Tiện lợi: Các bạn có thể làm việc này ở bất kì đâu bất kỳ lúc nào. Khi trên trường thì các bạn có thể tranh thủ dò bài trước giờ học hay trong giờ ra chơi. Chỉ cần các bạn có thể tranh thủ đứng kế bên nhau và dò bài với nhau. Vừa hiệu quả mà vừa tranh thủ được thời gian trống. Sau khi đi học về nghỉ trưa xong thì chiều các bạn có thể ra ngay quán cafe hoặc hẹn nhau lên các ứng dụng học trực tuyến như teams hay zooms dò online luôn.

 

(3) Tập phản xạ: Việc dò bài này giúp các bạn có phản xạ nhanh khi thi, nhất là thi vấn đáp. Tức là khi thầy hỏi là bạn có thể trả lời ngay mà không cần nghĩ ngợi thêm. Giống như việc mình tập phỏng vấn trước khi đi phỏng vấn xin học bổng vậy. Khi các bạn tập hỏi đáp nhiều lần thì các bạn sẽ quen và ít run hơn khi thi vấn đáp thật. Từ khi anh thực hiện phương pháp này điểm vấn đáp của anh cải thiện rõ rệt.

Cách 2 tự học bằng phương pháp ghi tắt chữ đầu

 

Trong phương pháp này thì anh sẽ tự đọc nhẩm bài trước rồi khi ôn tập thay vì bạn dò và kiểm tra cho mình thì anh sẽ tự ghi lại nội dung đã học lên giấy và tự kiểm tra coi đúng chưa và có thiếu xót gì không. Việc bạn ghi lại nội dung học chính là một dạng active recall vì nó cũng giúp bạn truy suất lại thông tin từ vùng trí nhớ và sử dụng chúng để trả lời câu hỏi.

 

Tuy nhiên nếu ghi lại đầy đủ toàn bộ nội dung thì rất mỏi tay và tốn thời gian. Sau một thời gian suy nghĩ anh đã tự nghĩ ra một phương pháp đơn giản mà rất hiệu quả đó là thay vì ghi đầy đủ các kí tự thì anh chỉ ghi chữ đầu của các kí tự thôi. Chẳng hạn thay vì ghi: Học tập chủ động có hiệu quả cao thì anh chỉ ghi HTCDCHQC. Việc ghi ngắn gọn như vậy giúp anh có thể ghi nhanh theo tốc độ nhớ của mình và tiết kiệm rất nhiều thời gian. Trong một buổi ôn tập vài ba tiếng và sử dụng phương pháp này, bạn hoàn toàn có thể xác định rõ là mình đã nhớ được bao nhiêu nội dung và chỗ nào còn thiếu sót. Đây chính là cách mà anh sử dụng trong hầu hết các kì thi cần học thuộc lòng.

 

Tóm lại để học thuộc lòng tốt thì có ba bước. Bước 1 học những câu ngắn và dễ trước. Bước 2 tạo sườn bài giản lược bằng những câu gợi nhớ. Bước 3 dò bài với bạn hoặc tự dò bài bằng kỹ thuật ghi tắt chữ đầu. Mong là video này sẽ giúp bạn sẽ cải thiện được hiệu suất học bài của mình và sẵn sàng đối mặt với các kỳ thi quan trọng.

Share on Google Plus

About Bác sĩ Vượng

Bác sĩ Nguyễn Đức Vượng. Tốt nghiệp loại giỏi Đại học Y Dược TpHCM.