Cách học giỏi phần 4 - Cách đọc hiểu và ghi chép hiệu quả

Cách học giỏi phần 4. Cách đọc hiểu và ghi chép hiệu quả. Chia sẻ bởi Bác sĩ Nguyễn Đức Vượng. Bảng vàng thủ khoa tốt nghiệp Đại học Y Dược TP.HCM.

Trong những video trước chúng ta đã nói về chuẩn bị tài liệu học tập tốt và lên kế hoạch học tập, tiếp theo chúng ta sẽ bắt tay vào việc học. Bước đầu tiên của quá trình này là đọc bài và ghi chép hay nói cách khác là tiếp nhận những kiến thức từ sách vở chuyển thể những kiến thức này thành ngôn ngữ của bạn và bạn có thể ghi nhớ được.

 

Chắc hẳn các bạn đã từng trải qua cảm giác ngồi ở bàn làm việc bắt đầu đọc tài liệu say sưa thì sau khoảng một hai tiếng là đầu óc chúng ta bắt đầu quay cuồng và không hiểu là chúng ta vừa mới đọc cái gì. Đây là một cảm giác rất khó chịu và thực tế là chúng ta cũng vừa lãng phí 2-3 tiếng đồng hồ mà chưa đạt được hiệu quả gì.

 

Có ba bước mà anh thường làm để tránh được tình trạng này.

 

Bước 1: Làm quen với chủ đề

 

Trước khi học một chủ đề nào đó thì anh sẽ coi một vài video tổng quan ngắn gọn về chủ đề đó ở trên youtube.

 

Mục tiêu của việc này là để chúng ta có một số kiến thức đơn giản về cái chủ đề đang học thì khi mà chúng ta bắt đầu học những tài liệu giáo trình phức tạp hơn chúng ta sẽ có một số điểm tựa mà anh hay gọi là móc neo để không có cảm giác là mình đang trôi và không hiểu là sách đang viết về vấn đề gì

 

Hiện nay thì đa phần các nội dung học tập đều có sẵn trên nền tảng youtube. Nếu mà không có tiếng Việt thì mình có thể tìm những nội dung này bằng những từ khóa tiếng Anh đơn giản. Khi coi mình chỉ cần bật subtitle tự động lên là có thể coi được rồi. Anh thường chọn những video ngắn dưới 10ph từ những kênh uy tín để xem.

 

Bước 2. Đọc bài ngắt quãng, ngừng và ngẫm

 

Sau khi coi xong clip youtube thì anh sẽ bắt đầu đọc tài liệu và trong khi học sau mỗi đoạn hay mỗi chương sách anh sẽ dừng lại và hỏi bản thân mình đã hiểu nội dung vừa đọc hay chưa. Và nếu ai đó cần anh có thể giải thích lại được nội dung học cho người khác hay không. Đây chính là kỹ thuật Feynman nổi tiếng. Kỹ thuật này đã giành được giải Nobel vì đã giúp chúng ta có một phương pháp học nhanh hơn và hiệu quả hơn.

 

Bởi vậy sau khi học được một số nội dung thì bạn nên ngừng lại và tự hỏi mình có hiểu nội dung vừa học hay không. Nếu mình hiểu rồi thì mình sẽ học tiếp những nội dung tiếp theo. Còn nếu mình không hiểu thì mình sẽ quay ngược lại học lại nội dung đó. Đi hỏi bạn bè thầy cô và tìm thêm những tài liệu trên internet để giúp mình nắm rõ được nội dung. Điều này sẽ giúp bạn tránh được tình trạng sau khi đọc một hồi bạn mới phát hiện ra là mình không hiểu gì và phải mất nhiều thời gian để học lại ngay từ đầu.

 

Bước 3: Ghi chép chủ động

 

Ghi chép chủ động là một trong những bước nền tảng của quá trình học tập. Chủ động tức là không phải chép y chang hay tóm gọn lại những nội dung sẵn có. Chủ động là chuyển thể những nội dung trong tài liệu thành ngôn ngữ mà bạn có thể hiểu và học.

 

Có nhiều cách để làm việc này chẳng hạn như ghi chép đơn thuần, vẽ sơ đồ tư duy, lập biểu đồ. Anh nghĩ là các bạn không nên quá căng thẳng về việc chọn hình thức nào bởi vì đây là một công việc mang tính chất cá nhân cao, miễn sao các bạn cảm thấy hiệu quả là được. Điều quan trọng nhất là các bạn cần tránh việc ghi chép quá mức tức là dành quá nhiều thời gian để tóm tắt lại quyển sách và cuối cùng không còn thời gian để học.

 

Bản thân anh thì thường chỉ ghi chép những điểm thầy cô giảng và nó nằm ngoài tài liệu học để anh tiện ôn bài. Đa phần những điểm này chính là những điểm mở rộng và thường là nội dung đánh đố trong các kỳ thi. Những gì đã có trong tài liệu học thì anh sẽ không ghi lại nữa.

 

Trong video này anh muốn phân tích kỹ hơn về cách thức các bạn ghi chép. Có ba cách ghi chép thường được áp dụng là ghi chép bằng tay, bằng laptop và bằng tablet. Mỗi phương pháp này đều có ưu và nhược điểm nhất định.

 

Đầu tiên là ghi chép bằng tay lên tập ghi chép.

 

Đây là phương thức căn bản nhất. Theo anh đây là phương thức ghi chép hiệu quả khi chúng ta còn là học sinh cấp 2 cấp 3.  Vì nó đơn giản và khi còn là học sinh thì đa số trường học không cho sử dụng điện thoại hay laptop. Anh và các anh chị anh biết ghi chép theo một phương pháp gọi là lùi đoạn theo tiêu đề. Tức là sau khi viết tiêu đề, đoạn nội dung tiếp theo anh sẽ lùi vào trong một khúc để các tiêu đề trở nên nổi bật. Và nếu trong đoạn này lại có các mục nội dung nhỏ anh sẽ tiếp tục lùi vào một khúc.

-      Như vậy lúc nhìn lại anh sẽ thấy rõ được bố cục bài và ôn tập hiệu quả hơn.

-      Đồng thời khi lùi nội dung cũng cho bạn những khoảng trống nhất định để ghi chú sau này. Tiện cả đôi đường mà khá là nhanh, đơn giản lại ít tốn giấy.

 

Nhược điểm của phương pháp này là không số hóa. Sau khi ghi chép bằng tay xong thì bạn sẽ có một cuốn tập ghi chép. Bạn sẽ không có một tài liệu được số hóa để bạn có thể chỉnh sửa, thêm vào hình ảnh đường dẫn âm thanh và quan trọng hơn là khó lưu trữ để có thể xem lại bất cứ lúc nào.

 

Hiện nay anh vẫn còn ghi chép bằng tay, nhưng không phải để ghi bài mà là để ôn bài. Khi ôn bài anh sẽ tự tay ghi lại tóm gọn những nội dung đã học xuống giấy bởi vì theo những nghiên cứu việc ghi chép bằng tay sẽ giúp ghi nhớ tốt hơn. Tức là việc phải ghi ra những gì bạn đang nghĩ sẽ giúp bạn nhớ lâu hơn. Trong video về cách ôn bài anh sẽ chia sẽ chi tiết hơn về phương pháp này.

 

Cách ghi chép thứ 2 là sử dụng laptop hoặc tablet. Đây là phương pháp phù hợp cho các bạn cấp 3 và đại học. Bản thân anh thì thích ghi chú bằng laptop hơn nhưng một số bạn lại thích ghi chú bằng tablet hơn. Anh sẽ phân tích ưu và nhược điểm của hai dụng cụ này.

 

Đầu tiên là tablet. Ngày anh còn đi học cấp ba, anh đã bắt đầu sử dụng ipad để ghi chú vì lý do rất đơn giản là nó dễ dàng mang theo bên người. Nó cũng rất thích hợp với những bạn thích vẽ hình ảnh hay bảng tóm tắt vào ghi chú thông qua apple pencil. Khi lên đại học thì anh thấy các bạn trường anh rất nhiều bạn cũng thích dùng tablet. Nhưng bây giờ thì anh đã chuyển qua dùng laptop vì anh thấy đa phần những gì tablet dùng được thì ipad cũng dùng được. Ngoài ra một cáp laptop cấu hình mạnh giúp bạn lưu trữ được nhiều tài liệu hơn và làm được nhiều việc hơn. Đồng thời bây giờ laptop đời mới cũng rất mỏng và nhẹ. Thành ra anh đã không dùng còn dùng ipad từ những năm cuối đại học.  

 

 

Tóm lại là trước khi học thì bạn nên coi những cái video ngắn ở trên YouTube đề làm quen với chủ đề sắp học. Tiếp theo khi học được một số nội dung bạn nên ngừng lại và tự hỏi mình đã hiểu chưa. Khi bạn hiểu rõ nội dung đã học thì mới học tới những nội dung mới. Trong quá trình học bạn có thể lựa chọn phương pháp ghi chép phù hợp với sở thích và những dụng cụ bạn đang có sẵn. Bất kể phương pháp nào bạn thấy hiệu quả thì đó là phương pháp dành cho bạn.

 

Trong video tiếp theo chúng ta sẽ nói về cách ghi nhớ và ôn tập hiệu quả để chuẩn bị cho những kì thi. Cảm ơn các bạn vì đã dành thời gian cho những video của anh. Chúc các bạn có một quãng thời gian đi học thật vui và hiệu quả.

Share on Google Plus

About Bác sĩ Vượng

Bác sĩ Nguyễn Đức Vượng. Tốt nghiệp loại giỏi Đại học Y Dược TpHCM.